Chỉ 35% sinh viên IT tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng?
(Trendy News) Theo báo cáo thị trường IT Việt Nam năm 2023 của TopDev, trong số 57.000 sinh viên ngành công nghệ thông tin (IT) tốt nghiệp mỗi năm, chỉ có 35% đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng và chuyên môn của nhà tuyển dụng.
(Trendy News) Theo báo cáo thị trường IT Việt Nam năm 2023 của TopDev, trong số 57.000 sinh viên ngành công nghệ thông tin (IT) tốt nghiệp mỗi năm, chỉ có 35% đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng và chuyên môn của nhà tuyển dụng.
Cũng trong báo cáo này của TopDev (nền tảng chuyên tuyển dụng nhân sự ngành IT tại Việt Nam), các doanh nghiệp thiếu từ 150.000 - 200.000 nhân sự. Doanh nghiệp thiếu nhân sự IT, trong khi sinh viên tốt nghiệp ngành này chỉ 35% đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Vậy sinh viên cần trang bị những gì để nắm bắt được cơ hội việc làm trong lĩnh vực này sau khi ra trường?
Doanh nghiệp đòi hỏi kinh nghiệm hơn bằng cấp
Được giữ lại làm việc sau khi thực tập tại 1 công ty phần mềm nằm trên đường Lê Thánh Tôn, P.Đa Kao, Q.1 (TP.HCM), tuy nhiên B.T.T. (22 tuổi) cho hay hiện tại rất khó để tìm việc về IT.
Sinh viên cần trang bị những gì để nắm bắt được cơ hội việc làm trong lĩnh vực IT sau khi ra trường
NGUYỄN THỊ UYÊN (Nguồn: Báo Thanh Niên)
"Vì khối lượng kiến thức lĩnh vực IT cập nhật liên tục và có độ đào thải cao, yêu cầu người theo nghề phải đầu tư thêm thời gian, công sức để tự học liên tục. Sinh viên nếu chỉ bám vào bài giảng thì khó đáp ứng nhu cầu thị trường", T. nói.
Chàng trai này cũng cho biết thời điểm tìm việc cũng rất khó khăn vì không có nhiều chuyên môn nên nhận mức lương thấp. Vì thế, T. mất 6 tháng để từ vị trí thực tập lên junior developer (lập trình viên dưới 3 năm kinh nghiệm).
"Sinh viên mới ra trường thường ứng tuyển thực tập hoặc junior. Ở cấp độ này, nhà tuyển dụng không yêu cầu quá cao, chỉ cần nắm vững kiến thức nền tảng, thực hiện một số dự án cá nhân và đạt trình độ tiếng Anh mức căn bản", nam sinh này cho hay.
Sinh viên IT cần rèn luyện thói quen tư duy logic và làm việc nhóm để có thể giải quyết các bài toán lập trình một cách hiệu quả
THƯỢNG HẢI (Nguồn: Báo Thanh Niên)
Từng không được tuyển dụng vào công việc IT như mong muốn, Nguyễn Trung Trực, sinh viên Trường ĐH Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), cho biết các doanh nghiệp đòi hỏi kinh nghiệm nhiều hơn bằng cấp.
"Khi nhà tuyển dụng hỏi về kinh nghiệm làm việc, mình trả lời vì hiện tại còn sinh viên nên chủ yếu học hỏi từ các anh chị đi trước và tham gia các nghiên cứu khoa học tại trường. Đáng tiếc là mình không được chọn, do họ đã tìm được người phù hợp hơn", Trực kể lại.
Ngoài ra, Trực cũng cho biết nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu hiểu biết về các kiến thức cơ bản, cũng như thông tin vị trí muốn ứng tuyển. Sau đó, cho bài kiểm tra để ứng viên lập trình ra kết quả nhằm đánh giá năng lực. "Hiện tại, mình đang học thêm những khóa chuyên sâu về IT, kỹ năng thiết kế và ngoại ngữ. Bên cạnh đó, rèn luyện thói quen tư duy logic và làm việc nhóm để có thể giải quyết các bài toán lập trình một cách hiệu quả", chàng trai này cho hay.
Tuyển 10 sinh viên thực tập nhưng 100% không đạt yêu cầu?
Là doanh nghiệp tuyển dụng nhiều nhân sự công nghệ thông tin, bà Đinh Hoàng Minh Ngọc, Tổng giám đốc điều hành Công ty X-Profile, cho biết: "Trong năm qua, công ty có tuyển 10 vị trí thực tập là sinh viên mới tốt nghiệp nhưng 100% không đạt yêu cầu, phải rèn luyện từ 4 đến 5 tháng mới bắt đầu làm được dự án. Người cố vấn gần như phải theo sát để hướng dẫn các bạn mỗi ngày, vì có thực tập sinh mất 60 - 70% thời gian để sửa lỗi viết mã hóa lập trình".
Theo chị Trương Quỳnh Như, Phó giám đốc TopDev, các doanh nghiệp cần có kỳ vọng hợp lý cho sinh viên mới ra trường trong khoảng từ 3 đến 6 tháng đầu tiên để các bạn làm quen với môi trường công việc thực tế
NGUYỄN THỊ UYÊN (Nguồn: Báo Thanh Niên)
Bà Ngọc cũng cho rằng lập trình viên trẻ đang thiếu rất nhiều kỹ năng chuyên môn: "Các bạn ít kinh nghiệm, kể cả có thành tích học tập tốt nhưng ứng dụng vào công việc rất kém vì thiếu va chạm. Mức độ thành thạo ngoại ngữ còn hạn chế. Ngoài ra, do chỉ tập trung vào lý thuyết hoặc kỹ năng sử dụng công cụ mà chưa đi sâu vào nghiên cứu và tự học nên giới hạn khả năng phát triển bản thân".
Nhận xét về vấn đề này, chị Trương Quỳnh Như, Phó giám đốc TopDev, chia sẻ đây là thực trạng chưa hợp lý và tất cả các bên hãy cùng tìm giải pháp phù hợp.
"Về phía doanh nghiệp, cần chuẩn bị tinh thần và lộ trình đào tạo kèm theo kỳ vọng hợp lý cho sinh viên mới ra trường trong khoảng từ 3 đến 6 tháng đầu tiên để bắt đầu sự nghiệp. Điều này, giúp các bạn làm quen với môi trường công việc thực tế, tập trung trau dồi kiến thức và chuyên môn cho 1 công việc cụ thể. Dần dần, có định hướng rõ ràng hơn về công việc trong tương lai", chị Như nói.
Về phía sinh viên, chị Như cho rằng các bạn cần nhận thức rõ sự thiếu hụt trong kỹ năng và chuyên môn để liên tục cầu thị học hỏi. Vì không phải lúc nào doanh nghiệp cũng chỉ tuyển người giỏi nhất, bên cạnh đó họ còn quan tâm đến khía cạnh thái độ và sự nỗ lực của nhân sự để lựa chọn.
"Việc trau dồi kinh nghiệm IT liên tục để thích ứng trước thử thách và chủ động tiếp cận cơ hội mới là "vũ khí" duy nhất mà sinh viên nào cũng có thể làm chủ được. Từ đó, tác động trực tiếp đến chất lượng công việc, năng lực, tư duy; giúp sinh viên luôn biết mình có thể làm và đóng góp gì cho doanh nghiệp", chị Như nhấn mạnh.
Theo Báo Thanh Niên: https://thanhnien.vn/chi-35-sinh-vien-it-tot-nghiep-dap-ung-duoc-yeu-cau-cua-nha-tuyen-dung-185230918183825109.htm
Phản ứng của bạn là gì?